“Vẻ đẹp là đỉnh cao của công năng” – Álvaro Siza

Trong hơn 60 năm sự nghiệp của mình, Álvaro Siza đã không ngừng xây dựng những công trình thách thức loại hình kiến trúc. Có người nói công trình của ông “thể hiện chủ nghĩa phê bình khu vực”, có người nói “mang nét chủ nghĩa hiện đại nên thơ”, nhưng không từ nào thực sự lột tả được vẻ đẹp thực sự trong kiến trúc Siza. Khi trả lời phỏng vấn với Vladimir Belogolovsky, KTS Siza đã thảo luận về công trình của mình, cũng như phương pháp thiết kế và vai trò của cái đẹp trong thiết kế của ông.

Vladimir Belogolovsky: Học trò của ông, KTS Eduardo Souto de Moura đã từng nói: “Nhà của thầy Siza như chú mèo lim dim dưới ánh mặt trời vậy.” 

Álvaro Siza: Ồ, ý là công trình của tôi nằm ở những vị trí tự nhiên nhất trên khu đất. Lời ấy cũng liên quan tới cơ thể con người nữa.

Bể bơi bên bờ biển Leça / Álvaro Siza. Ảnh: Christian Gänshirt

VB: Ông có nghĩ rằng một kiến trúc sư nên giải thích được công trình và quá trình thiết kế của mình trong những cuộc đối thoại như chúng ta bây giờ không? 

AS: Có chứ, mặc dù hơi khác chút. Tôi thích nói về công trình của mình. Khi người ta yêu cầu tôi diễn thuyết, tôi luôn nói về một công trình, một dự án cụ thể, vì tôi thích diễn giải tại sao mình có ý tưởng như vậy. 

Boa Nova Tea House / Álvaro Siza. Ảnh: Samuel Ludwig

VB: Tôi đã tới một vài công trình của ông tại Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Mới hôm qua tôi đã ghé thăm nhà hàng Boa Nova tại Porto, tôi luôn cảm thấy chỉ nhìn qua ảnh thôi thì không thể cảm nhận được nó. Không phải là hình ảnh, có một thứ gì đó mà khung ảnh không thể bắt nổi. Ông nghĩ thứ đó là gì? 

AS: Hầu hết công trình nào cũng thế cả, không chỉ riêng của tôi. Nhiếp ảnh không thể truyền tải không gian. 

VB:  Nhưng ảnh chụp thường giúp kiến trúc rõ nét hơn, còn với công trình của ông thì ngược lại. 

AS: Trong kiến trúc, có một loại cảm giác là thấu hiểu và cảm nhận không gian. Tôi đã nhận ra điều ấy khi tới thăm công trình Fallingwater của Wright. Không khí ở đó dày đặc, và không ai hiểu chính xác quy mô của nó cả. Nếu chỉ nhìn ảnh thôi thì nhà của Wright nhỏ hơn anh nghĩ. Ông ấy đã giảm thiểu những kích thước như lan can và chiều cao trần nhà. 

Pavilion Bồ Đào Nha tại Expo 98 tại Lisbon / Álvaro Siza

VB: Ông có thể nói thêm về cách tiếp cận kiến trúc của bản thân được không?. Kenneth Frampton nói rằng kiến trúc của ông thuộc phong trào ‘chủ nghĩa phê bình khu vực’. Và ông ấy định nghĩa ‘chủ nghĩa phê bình khu vực’ là ‘phương thức tiếp cận kiến trúc đi ngược lại nét vô vị và thiếu bản sắc trong phong cách quốc tế’, một phương thức ‘chối bỏ chủ nghĩa cá nhân và màu mè của kiến trúc Hậu hiện đại.” Ông có nghĩ mình thuộc “chủ nghĩa phê bình khu vực” không? Kiến trúc của ông luôn thể hiện tính cá nhân rất mạnh, thế nên dường như bao gồm rất nhiều. 

AS: Tôi cũng cho rằng rằng mình thuộc chủ nghĩa phê bình khu vực. Khi các nhà phê bình nói về chủ nghĩa phê bình khu vực, họ dương như quên mất từ ‘phê bình’. Tôi hiểu lời của Frampton là kiến trúc nên khép lại tính toàn cầu của nó, dù rằng tính toàn cầu sẽ khuyến khích truyền thống văn hóa địa phương phát triển, ngược lại với tôn vinh Phong cách quốc tế đang trở nên vô vị, phi nơi chốn. 

Nhà trên nước / Álvaro Siza + Carlos Castanheira

VB: Thế nên ông coi kiến trúc của mình là sự tiếp nối các truyền thống địa phương. 

AS: Đúng vậy, nhưng đừng quên rằng tất cả truyền thống đều thay đổi hoặc chuyển biến, nếu không chúng sẽ tàn lụi. 

VB: Ông nói: “Truyền thống chỉ quan trọng khi nó mang tới những khoảnh khắc thay đổi.” 

AS:  Đúng vậy, truyền thống không có nghĩa là cấm cửa, bất di bất dịch. Ngược lại, giá trị của truyền thống dẫn tới đổi mới. Truyền thống bổ sung cho đổi mới chứ không chối bỏ. Những thay đổi liên tiếp tạo nên truyền thống. Những nền văn hóa biệt lập không chịu đón nhận cái mới sẽ sụp đổ. Mọi văn hóa truyền thống đều bị ảnh hưởng bởi văn hóa bên ngoài. Khi tôi còn trẻ, không có nhiều trung tâm văn hóa toàn cầu  – có Paris, London, New York và những nơi xa trung tâm. Bồ Đào Nha xa trung tâm vì đất nước này đóng cửa, mãi tới cách mạng 1974 mới mở lại. Frampton là một trong những phê bình đầu tiên tới thăm nơi này, và ông ấy đã đi tới những nước khác của châu Âu, có cả Tây Ban Nha, Hy Lạp và các nước Scandinavi. Lúc ấy, các KTS chỉ quan tâm tới việc khám phá kiến trúc không theo xu hướng. Trong bối cảnh đó, có lẽ ông ấy cũng là nhà phê bình đầu tiên khẳng định tầm quan trọng của bản sắc. 

Quỹ Iberê Camargo / Álvaro Siza

VB: Ông hay nói “Không thứ gì được phát minh, mọi thứ đều có quá khứ.” Ông không quan tâm tới việc tạo ra thứ gì hoàn toàn mới sao? Tất cả công trình của ông đều dựa trên những gì đã có. Không biết quan điểm của ông thế nào? 

AS: Không thể tạo ra thứ gì đó hoàn toàn mới được. Lấy biệt thự Savoye của Le Corbusier tại Poissy làm ví dụ, khi anh nhìn vào nó, nó mang lại cảm giác rất mới mẻ, rõ ràng là một kiểu kiến trúc mới cho một thế hệ mới. Nhưng thực tế, không gì là mới, chúng chỉ được chỉnh sửa và thay đổi. “Cửa sổ băng ngang” là một cấu trúc xưa thời tiền Colombo ở Mĩ hay Bồ Đào Nha; hệ thống cột ở chợ xưa Venice, anh thậm chí có thể thấy được ví dụ về mặt bằng tự do trong những cấu trúc cổ xưa chỉ có một mái nhà và tường vây không vách ngăn trong. Điều mới mẻ tới từ những vật liệu và sự kết hợp mới mẻ, nhưng không có gì là hoàn toàn mới.

Kiến trúc sư luôn bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh. Khi nhà Bonjour Tristesse của tôi được xây ở Berlin, tôi đang ở khu vực đó và thấy được một công trình khác đang thi công có thiết kế mái tương tự. Thế là tôi nói với chủ thầu của mình – nhà của tôi còn chưa xong mà đã bị sao chép rồi kìa. Chủ thầu của tôi nói: “Ông mới là người sao chép thì đúng hơn, tòa nhà đó đang bị dỡ bỏ rồi.” Vậy đấy, có lẽ tôi đã nhìn thấy căn nhà đó trước khi bắt tay thiết kế, và vô thức bị ảnh hưởng. 

Bonjour Tristesse / Álvaro Siza Vieira + Peter Brinkert. Ảnh: Georg Slickers

VB: Kenneth Frampton còn nói: “Giống Aalto, tất cả công trình của Siza đều cẩn thận đặt theo địa hình khu đất. Ông ấy tiếp cận theo xúc giác và kiến tạo thay vì hình ảnh và đồ họa. Thậm chí những công trình nhỏ nhất cũng cẩn thận dựa trên địa hình.” Đồng thời, lời của chính ông cho biết: “Trước khi tôi hiểu tường tận điều gì, hoặc biết rõ từng vấn đề, tôi sẽ phác thảo. Tôi sử dụng lượng thông tin ít ỏi mà mình có để phác thảo những giải pháp hợp lí. Khi có ý tưởng, tôi muốn làm luôn, kể cả sau này ý tưởng có thay đổi hoàn toàn.” Ông có thể nói thêm về quá trình sơ thảo và thiết kế của mình được không? 

AS: Tôi luôn phác họa trước. Tôi không đi phân tích vấn đề, điều kiện khu đất hay là đồ án. Làm thế sẽ gây ra ‘quá nhiều thông tin, quá ít kiến trúc’. Thế nên, tôi phách họa trước, rồi mới đi thăm địa hình. Tôi luôn tìm kiếm ý tưởng và bắt tay làm việc ngay lập tức, cho dù mới thấy khu đất qua cảnh. Thường thì mấy bản sơ thảo ban đầu không giúp ích gì mấy. Tôi tổng hợp chúng để xây dựng ý tưởng ban đầu. Dần dần, tôi biết nhiều hơn, và một bản phác thảo thật sự ra đời. Tôi luôn hợp tác với người cho tôi thông tin. Tôi trực tiếp làm việc mới mô hình, và dần dần, thông tin khách quan chính xác và trực giác tự do chủ quan của tôi sẽ hợp lại làm một. 

CLB Golf Đài Phong / Álvaro Siza Vieira

VB: Ông luôn nói một bản phác thảo luôn liên kết với tâm trí, rằng bàn tay của KTS không chỉ suy nghĩ, mà còn phải tưởng tượng. 

AS: Thường khi mới bắt đầu một dự án, người ta chưa thể có tầm nhìn rõ ràng được. Những lúc như thế, tôi sẽ tự sao nhãng chính mình. Tôi sẽ đi nghỉ ngơi, vẽ rất nhiều bản sơ phác, và đột nhiên một ý tưởng ập tới. Đó là mối quan hệ giữa bộ não và bàn tay, bổ sung cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Aalto cũng đã nói về điều này rồi. 

VB: Kiến trúc của ông rất có tính trực quan. Ông không làm việc theo khuôn khổ lí thuyết nào cả, cũng như không hướng dẫn người khác nên hiểu công trình mình thế nào. Song kiến trúc của ông cũng rất đặc biệt và có quy tắc. Ví dụ, hầu hết công trình của ông đều có màu trắng, một số thì có gạch đỏ. Tất cả đều trông chắc chắn, góc cạnh, mặt nghiêng cong và mặt tiền lồi thụt. Là ông tự lập quy tắc cho chính mình hay ông đang phát triển ngôn ngữ kiến trúc của riêng mình? 

AS: Tôi không nghĩ mình có ngôn ngữ kiến trúc cụ thể hay thống nhất. Tôi làm việc ở rất nhiều quốc gia như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Thụy Sĩ, Brazil hay Trung Quốc, và mỗi nơi mỗi khác. Kĩ thuật xây dựng, vật liệu xây dựng, điều kiện khí hậu, văn hóa lịch sử, bầu không khí rất khác nhau. Tôi quan sát và tiếp thu rồi mới đưa ra quyết định. Khi thiết kế bảo tàng nghệ thuật ở Santiago de Compostela, tôi không muốn dùng đá hoa cương địa phương mà dùng màu trắng cho nội thất. Tôi chọn đá cẩm thạch Hi Lạp vì lúc đó vật liệu này rẻ hơn. Tôi cũng muốn dùng cẩm thạch cho mặt tiền, nhưng dân bản địa phản đối. Tôi muốn bảo tàng có màu trắng, vừa để khẳng định tính cộng đồng, vừa để nhấn mạnh lịch sử. Trong quá khứ, toàn bộ thành phố ấy màu trắng. Trong lịch sử, Santiago màu trắng. Mãi tới gần đây, người ta đã gỡ vữa để lộ đá và hoa cương bên trong.

Mỗi công trình phải phù hợp với điều kiện cụ thể. Tôi không có lí thuyết bất biến nào cả. Đương nhiên tôi cũng có lí thuyết rồi, không thì tôi lấy gì mà thực hành? Nhưng lí thuyết không thể cản trở tôi thiết kế. 

Thư viện Viana do Castelo / Álvaro Siza

VB: Ông từng nói: “Tôi không quan tâm tới cái đẹp.” Nhưng công trình của ông rất đẹp. Ông nghĩ thế nào về điều này? 

AS: Tôi có nói vậy sao? 

VB: Ông nghĩ người ta đã trích nhầm lời mình ư? 

AS: Nếu say thì tôi mới nói thế. Tất nhiên tôi quan tâm tới đẹp xấu rồi. Vẻ đẹp là đỉnh cao của công năng! Một công trình đẹp là một công trình duy trì được công năng. Tôi không bao giờ tách rời vẻ đẹp khỏi công năng cả. Với KTS, đẹp là chìa khóa dẫn tới công năng. Tại sao tôi lại nói mình không quan tâm đẹp xấu nhỉ? Chắc ai đó khiêu khích tôi và gọi tôi là chuyên gia thẩm mĩ rồi. Vì tôi không phải. Nhưng tìm kiếm cái đẹp luôn là mục tiêu số một của KTS. 

Gondomar Sports Complex / Álvaro Siza

VB: Nhiều KTS trẻ bây giờ tự hào rằng bản thân không cần phác thảo để thiết kế một công trình. Họ làm việc theo nhóm và tiếp thu đóng góp từ nhiều phía. Nhưng tôi đọc được rằng ông thích một mình ngồi quán cà phê thiết kế công trình. Không biết ông nghĩ gì về phương pháp trên? 

AS: Điều này chỉ đúng một phần thôi, nhưng cũng lâu rồi. Tôi không còn ra quán cà phê để vẽ nữa. Tôi từng làm thế thường xuyên để thoát khỏi bầu không khí trong studio của mình. Từng có một quán cà phê ở Porto mà sinh viên hay tới ôn bài hoặc người ta tới họp mặt. Còn bây giờ, anh chỉ uống cà phê thật nhanh rồi rời đi, không còn trải nghiệm chân thực nào nữa. Tôi thậm chí còn thấy quán cà phê treo biển “Cấm học bài”.

Nhưng tôi không ra quán là vì lí do khác. Sau khi thiết kế mấy công trình, tôi trở nên nổi tiếng ở Bồ Đào Nhà, người ta nhìn tôi ra uống cà phê thường hay tới chào hỏi, và nếu tôi đang vẽ thì họ sẽ nhờ tôi vẽ cho họ. Thế nên tôi phải ngừng lại. Giờ thì tôi phác thảo trong studio của mình vì đồng nghiệp không yêu cầu tôi sơ thảo nữa. 

Bảo tàng Mimesis / Alvaro Siza + Castanheira & Bastai Arquitectos Associados + Jun Sung Kim

VB: Dù thế, mỗi khi bắt đầu một dự án ông đều phác thảo, và tự mình nghiên cứu dự án trong một thời gian đúng không? 

AS: Đúng vậy, nhưng đội ngũ của tôi cũng lập tức bắt tay vào việc. Ví dụ, đội ngũ kỹ sư sẽ bắt đầu luôn. Tôi chỉ không thích cách các KTS trẻ bây giờ bắt đầu thiết kế trên máy tính trước. Họ mất đi cơ hội tự do bắt đầu, tự do suy nghĩ và tự do phác thảo. Ý tưởng mới tới từ suy nghĩ và phác họa, không phải từ máy tính. Phác thảo là một phần quan trọng của tư duy. 

Trạm cứu hỏa ở Santo Tirso / Álvaro Siza Vieira

VB: Ông cũng cho biết, “Tôi là người theo chủ nghĩa công năng”, và cả “Giải pháp chức năng không thể tạo ra hình thái, không gian và bầu không khí. Mọi KTS đều phải tìm câu trả lời giải đáp vấn đề công năng. Nhưng kiến trúc bắt đầu khi một công trình có được tự do, không bị ràng buộc, có thể cất cánh và phát triển theo nhiều hướng khác nhau.” Ông nghĩ để được như thế nên làm gì?

AS: Một câu hỏi thật khó. Kiến trúc là một dịch vụ. Khi khách hàng muốn gì, các KTS phải có trách nhiệm đạo đức thiết kế một dự án đáp ứng yêu cầu đó, càng cụ thể càng tốt. Nhưng chúng ta vẫn phải nhớ rằng kiến trúc nên được tự do. Kiến trúc nên cố gắng trở thành một thứ khác, không phải một giải pháp thực dụng. Là một KTS, tôi không muốn mình quá bận tâm đi giải quyết vấn đề. Có những vấn đề khác quan trọng hơn. Phải làm cách nào để giữ cân bằng, đó mới là vấn đề. Tính năng không thể mất đi, nhưng kiến trúc không chỉ có thế, và mục tiêu hàng đầu của KTS nên là tìm tới cái đẹp.

Trung tâm nghiên cứu và thiết kế Amore Pacific / Alvaro Siza, Carlos Castanheira and Kim Jong Kyu.

VB: Ông rất hay nói “KTS không phải nhà phát minh, họ chỉ thay đổi hiện tại”. Kenneth Frampton cho rằng câu này của ông nên được khắc trước cổng của mọi trường kiến trúc, và rằng nhiều KTS hàng đầu hiện nay còn không chịu hiểu điều này.

AS: Tùy họ thôi, vì tôi nói đúng mà.

VB: Các KTS hàng đầu luôn duy trì quan điểm “Đây là của tôi” và “Còn đây là những người khác”. 

AS: Tôi cũng nghĩ thế. Kiến trúc của tôi rất khác biệt. Nhưng tôi biết mình không phải một nhà phát minh. Tôi chỉ là người biến chuyển. Chỉ thế thôi. 

VB: Ông còn nói: “Chỉ suy lý thôi chưa đủ, tôi muốn vòng vo quanh vấn đề.” 

AS: [Bật cười] 

Ribero-Serralo Sports Complex / Álvaro Siza

VB: Tôi muốn kết thúc cuộc trò chuyện này với một câu nói nữa của ông: “Một KTS giỏi luôn làm việc từ tốn.”

AS: Với máy tính, chúng ta thiết kế và xây dựng nhanh hơn rất nhiều. Nhưng suy nghĩ vẫn mất từng ấy thời gian. Kiến trúc là một cuộc tranh luận và thúc đẩy, điều này không thể xảy ra mà không suy nghĩ. Máy tính có thể hỗ trợ KTS, nhưng kiến trúc là một nghệ thuật từ tốn. 

Chưa được phân loại

Leave a Reply