
Khung đánh giá năng lực Kiến trúc sư – Bất cập và những gợi ý (Phần 1)
Tiếp nối loạt bài Đừng nhầm lẫn khái niệm “Thiết kế Nội thất” với khái niệm “Trang trí nội thất” và bài Chủ nhà tự thiết kế, thi công và những khó khăn dành cho “tay mơ”, nhiều bạn đọc đã có cách nhìn nhận toàn diện hơn về vai trò của các Kiến trúc sư, nhưng đi kèm đó là sự băn khoăn về cách chọn Kiến trúc sư như thế nào cho hiệu quả. Bài viết này cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về Khung đánh giá năng lực Kiến trúc sư, là cơ sở để đưa ra các gợi ý giúp bạn chọn được một Kiến trúc sư như mong muốn.
Phần 1: 03 yêu cầu cơ bản trong Khung đánh giá năng lực Kiến trúc sư
Về bản chất, các quyết định của kiến trúc sư ảnh hưởng đến sự an toàn công cộng (public safety) và do đó kiến trúc sư phải trải qua quá trình đào tạo chuyên ngành bao gồm giáo dục tiến bộ và thực tập để có kinh nghiệm thực tế, làm cơ sở cho việc lấy giấy phép hành nghề. [1]
Mặc dù có nhiều biến thể ở các nơi khác nhau, hầu hết các kiến trúc sư trên thế giới đều phải đăng ký quyền hạn hành nghề phù hợp. Để làm được điều đó, kiến trúc sư thường được quy định phải đáp ứng 03 yêu cầu gồm: (1) Giáo dục chuyên ngành (Education), (2) Kinh nghiệm thực tế (Experience) và (3) Kiểm tra đánh giá (Examination). Đây cũng chính là 3 yếu tố hình thành Khung đánh giá năng lực của Kiến trúc sư sẽ được phân tích dưới đây.
(1) Đầu tiên là GIÁO DỤC CHUYÊN NGÀNH
Yêu cầu Giáo dục chuyên ngành thường quy định từ bằng đại học về kiến trúc trở lên với thời gian đào tạo trung bình là 5 năm.Việc phân loại chất lượng KTS theo bằng cấp khá đa dạng: theo chiều sâu trong đào tạo ngành (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ); theo chiều rộng trong đào tạo ngành (giáo dục trong nước, nước ngoài, hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo, chương trình chất lượng cao…); và kiểu phân loại khác (theo tính phổ biến, tính đặc trưng, tính hiếm… của trường đào tạo).
Trong bài Kiến trúc và Luật hành nghề Kiến trúc sư, TS.KTS Hoàng Anh Tú cho biết thêm rằng tại nhiều trường, các nội dung yêu cầu của pháp luật cũng chính là cơ sở định hướng cho công tác đào tạo. Trong đó, điều kiện bằng cấp phải được quy định rất cụ thể. Chẳng hạn tại Pháp, hệ thống luật pháp công nhận các loại bằng cấp Kiến trúc sư có cấp độ khác nhau. Chỉ cần căn cứ trên tên gọi văn bằng của KTS, nhà đầu tư có thể lựa chọn xu hướng kiến trúc cho công trình của mình. [2]
Bên cạnh kết quả giáo dục chính quy, tham gia các lớp học ngoại khóa để có được các chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan (chuyên đề kiến trúc xanh,kiến trúc bền vững…) cũng là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ giáo dục chuyên ngành của Kiến trúc sư.

(2) Tiếp theo là KINH NGHIỆM THỰC TẾ
Bao gồm tuổi nghề (số năm hành nghề), sản phẩm kiến trúc, kiến thức lĩnh vực liên quan và các hoạt động hội nhóm thuộc ngành nghề kiến trúc.
Tuổi nghề (Số năm hành nghề)
Để được công nhận là một KTS “đúng nghĩa”, yêu cầu kinh nghiệm cho các ứng cử viên thường được quy định bằng số năm thực tập hoặc đào tạo trong văn phòng kiến trúc (thường là hai đến ba năm, tùy thuộc vào quy định của mỗi quốc gia). Tại Việt Nam, Nghị định 100/2018/NĐ-CP (có hiệu lực đang được áp dụng) quy định sau 02 – 03 năm thực hành kiến trúc tính từ thời điểm tốt nghiệp (sau 02 năm đối với cá nhân có trình độ đại học; sau 03 năm đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp), KTS trẻ có quyền đăng ký xét cấp Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (CCHNHĐXD) hạng III theo quy định. CCHNHĐXD là cơ sở cho phép Kiến trúc sư có quyền thực hiện các công trình có mức độ trách nhiệm và trình độ cao hơn, được quy định cụ thể với mỗi cấp hạng chức danh tương ứng.
Một số chức danh nhất định đều quy định số năm hành nghề, để đảm bảo “độ chín” của KTS chịu trách nhiệm thực hiện công trình cụ thể. Điều này là hợp lý với bản chất một Kiến trúc sư hành nghề ngoài việc nắm các nguyên lý cơ bản còn cần được thực hành thực tế, 02 năm thực tập với các lý thuyết đã được thu nhận từ 05 năm học đại học trước đó tạo thành độ ngấm kiến thức ngành, tích lũy đủ lượng để nâng cấp thành chất mới, có thể đảm đương các vai trò tương đương với quyền và trách nhiệm lớn hơn.
Tuy nhiên không nên tuyệt đối hóa quan điểm “tuổi Đời tương đương tuổi Nghề” mà cần xem xét khách quan trong từng trường hợp cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh thời đại 4.0 với những bước tiến như vũ bão, khi sự sáng tạo là chưa đủ mà còn cần phải sáng tạo khác biệt, khi các công cụ khoa học kỹ thuật là một phần làm nên các giải pháp kiến trúc mới của thời đại – điều mà không phải Kiến trúc sư “lâu năm” nào cũng vượt trội hơn lớp trẻ nếu không liên tục cải tiến.
Sản phẩm kiến trúc
Đây là một trong các yếu tố quan trọng nhất vì là biểu hiện cụ thể cho kết quả của quá trình sáng tác và hoạt động kiến trúc của Kiến trúc sư. Việc đánh giá sản phẩm kiến trúc thường phụ thuộc vào bộ tiêu chí đánh giá của từng nhóm thẩm định với mục đích riêng. Các yếu tố được đánh giá cho một công trình luôn phải có 04 yếu tố nhất định: tính thích dụng, tính thẩm mỹ, tính bền vững, tính kinh tế. Mặt khác, việc ưu tiên cho một hay một vài yếu tố nhất định còn tùy thuộc vào bối cảnh, tính chất công trình và ý đồ thiết kế của Kiến trúc sư.
Các công trình kiến trúc thường được đánh giá theo loại, cấp, quy mô, mức đầu tư công trình, độ hiếm, độ phổ biến, hay cả phong cách kiến trúc mà Kiến trúc sư thực hiện. Trong đó, việc thực hiện các công trình với loại, cấp, quy mô, mức đầu tư lớn được quy định gắn liền với quyền và nghĩa vụ mà Kiến trúc sư được phép thực hiện thông qua CCHNHĐXD được cấp.
Ngoài sản phẩm chính là các công trình kiến trúc – sản phẩm ứng dụng, các sản phẩm nghiên cứu như ấn phẩm,sách chuyên ngành, bài đăng tạp chí chuyên ngành, công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm hội thảo… cũng là những yếu tố nâng cao mức độ uy tín của Kiến trúc sư trong khung đánh giá năng lực chuyên ngành.
Kiến thức thuộc khối ngành nghề kiến trúc và các lĩnh vực liên quan
Là việc đánh giá năng lực trong vai trò đa năng, đa vị trí mà KTS đảm đương khi thực hiện công việc thực tế. Từ vai trò làm việc cho chủ đầu tư với tư cách quản lý dự án, đơn vị tư vấn thiết kế, thậm chí cả giám sát thi công, giám sát quyền tác giả (site architect), hoặc làm việc cho các sở ban ngành liên quan (Bộ/Sở Xây dựng, Tài nguyên môi trường, Phòng quản lý đô thị, Ban quản lý dự án…).
Tuy nhiên, cũng cần xét đến vị trí KTS thực chất là Kiến trúc sư. Trong Tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển số 61/2016, KTS Võ Thành Lân nêu ra vấn đề: Nước ta hiện nay có bao nhiêu Kiến trúc sư? Có thể nhiều mà cũng có khi rất thiếu. Nhiều là nhiều người có bằng Kiến trúc sư, ít là ít kiến trúc sư thực sự mang lên đôi vai của cái nghiệp của mình. Thực ra còn có phân loại: Kiến trúc sư già trẻ, trong Hội hay ngoài Hội, Kiến trúc sư là Đảng viên hay ngoài Đảng; lại còn có thêm Kiến trúc sư là thạc sĩ, là tiến sĩ, là giáo sư…có rất nhiều cách định danh, và mỗi danh xưng lại có không gian tư duy và hoạt động khác nhau thậm chí khác nhau hoàn toàn. Có người suốt đời chỉ biết làm cán bộ, làm quan chưa từng sản xuất ra một bản thiết kế nào nhưng lại rất giỏi cái việc làm cho tác giả của những bản thiết kế nào đó đó cụt hứng bất cứ lúc nào. Có những người trên danh thiếp trước chữ Kiến trúc sư có đến vài tiếp đầu ngữ được ghi rất sang trọng nhưng suốt đời hoặc từ rất lâu rồi chưa hề cầm đến cây bút vẽ thế mà lại rất thạo cái việc phát biểu trước hội đồng này, hội thảo nọ và làm rất tốt cái việc tạo ra những phiên bản giống y như họ cho những ai có nhu cầu.… [3]
Hoạt động hội nhóm thuộc ngành nghề kiến trúc và các đóng góp
Kiến trúc sư cần tham gia các Hội, Nhóm nghề nghiệp khác nhau, với các tiêu chuẩn cũng được nâng cao dần theo mức độ uy tín và phạm vi ảnh hưởng của Hội, chẳng hạn như Hội Kiến trúc sư Trẻ (tất cả các KTS trẻ đều có thể tham gia), Hội KTS TP HCM (KTS thành viên phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm trong nghề hoặc có thành tích nổi bật, kèm theo các thành tựu theo yêu cầu), Hội KTS Việt Nam (KTS thành viên phải có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm trong nghề hoặc có thành tích nổi bật, kèm theo các thành tựu theo yêu cầu), Hội KTS ASEAN (KTS thành viên phải có tối thiểu 10 năm kinh nghiệm trong nghề hoặc có thành tích nổi bật, kèm theo các thành tựu theo yêu cầu).
Mỗi tổ chức Hội cũng đều có quy trình và tiêu chí đánh giá Kiến trúc sư riêng biệt dựa trên nội dung hành nghề mà Pháp luật đã quy định. Việc phân loại Kiến trúc sư theo đó sẽ được lồng ghép một phần trong việc đánh giá mức độ tham gia và có những đóng góp tích cực cho hoạt động hội nhóm nghề nghiệp liên quan, kéo theo là các quyền và nghĩa vụ mà các Kiến trúc sư thành viên phải tuân thủ. Lấy ví dụ về Điều kiện để đăng ký KTS Asean gồm: Đã hành nghề liên tục 10 năm kể từ khi tốt nghiệp, trong đó phải có ít nhất 5 năm kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề; Đã có ít nhất hai năm đảm nhận trách nhiệm chủ trì công việc kiến trúc quan trọng; Đáp ứng các yêu cầu về phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) ở mức độ thỏa đáng theo quy định tại quốc gia xin đăng ký; Đáp ứng và bắt buộc tuân thủ các quy định hiện hành về đạo đức hành nghề tại quốc gia xin đăng ký. Một KTS Asean chỉ được hành nghề trong một dự án cụ thể khi được công nhận là đủ năng lực hành nghề theo Thỏa thuận này. Khi được chấp thuận và được hành nghề, KTS Asean phải luôn tuân thủ luật pháp và các quy chế của quốc gia sở tại. [4]

(3) Cuối cùng là KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ
Về cơ bản, việc kiểm tra nhằm đề cập đến việc đăng ký cấp phép hoạt động nghề nghiệp.
Tại Singapore, ai tự gọi mình là KTS phải trải qua quá trình sàng lọc gắt gao: tốt nghiệp 05 năm đại học cùng ít nhất 02 năm kinh nghiệm làm việc thực tế trước khi trải qua một cuộc sát hạch nghiêm ngặt gọi là Kiểm tra Thực hành Nghề nghiệp của Cục quản lý KTS (Board of Architects) thuộc Bộ Phát triển Quốc gia. [5]
Tại Úc, có ba yêu cầu chính để đăng ký xét cấp giấy phép hành nghề: bằng cấp chuyên nghiệp từ một trường kiến trúc được công nhận; ít nhất hai năm kinh nghiệm thực tế; và hoàn thành kỳ thi thực hành kiến trúc. [6]
Tại Canada, các kiến trúc sư được yêu cầu phải đáp ứng ba yêu cầu chung để đăng kýcấp phép hoạt động: giáo dục, kinh nghiệm và kiểm tra . Hiện tại, tất cả các khu vực pháp lý đều sử dụng Bài kiểm tra Đăng ký Kiến trúc sư (IS), một loạt bảy bài kiểm tra trên máy vi tính do Hội đồng đăng ký kiến trúc quốc gia (NCARB). Đồng thời, tất cả các khu vực pháp lý đều công nhận Kỳ thi dành cho Kiến trúc sư ở Canada (ExAC), do Ủy ban ExAC của Pan Canada quản lý . Sau khi hoàn thành các yêu cầu giáo dục, IAP và các kỳ thi, người ta có thể nộp đơn đăng ký / giấy phép với viện kiến trúc tỉnh tương ứng của họ. Kiến trúc sư phải trả một khoản phí hàng năm và đáp ứng các yêu cầu giáo dục liên tục để duy trì giấy phép hành nghề. [6]
Tại Việt Nam, khung năng lực của Kiến trúc sư trên góc độ pháp lý được quy định rõ trên các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới nội dung hành nghề kiến trúc. Cụ thể là Nghị định 100/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của Nghị định 59/2015/NĐ-CP và Nghị định số 42/2017/NĐ-CP) quy định về yêu cầu và quy trình cấp Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (CCHNHĐXD). Theo đó, văn bản quy định 04 mức độ cơ bản của người tham gia hành nghề kiến trúc gồm Hạng I, II, III và Kiến trúc sư mới ra trường chưa đủ điều kiện hoặc những người chưa thi lấy chứng chỉ hành nghề. Việc Kiến trúc sư đăng ký cấp mới, nâng cấp thứ hạng CCHNHĐXD là điều kiện cần để được quyền tham gia thực hiện các dự án, công trình có quy mô, tính chất cũng như vai trò quan trọng hơn, từ đó nâng cao mức độ tín nhiệm về nội dung hành nghề kiến trúc của họ. Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14, chính thức áp dụng từ tháng 07/2020, cũng quy định rõ 03 đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề gồm: cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc, cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc và kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân. Đặc biệt, với những cá nhân không có chứng chỉ hành nghề thì vẫn được tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc trong các tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.
Ngoài ra, việc đánh giá còn có thể mở rộng hơn ở việc đánh giá mức độ nổi tiếng, là một trong các yếu tố tác động tới “chỉ số Tín nhiệm” của Kiến trúc sư.
Mức độ nổi tiếng của Kiến trúc sư thể hiện qua các giải thưởng Kiến trúc gồm giải thưởng cấp cơ sở, giải thưởng doanh nghiệp, giải thưởng cấp Quốc gia, giải thưởng cấp Quốc tế… cao nhất là giải Pritzker –có giá trị như giải Nobel của các ngành khoa học khác.
Điều đặc biệt là, việc đánh giá mức độ nổi tiếng hiện nay không chỉ dừng lại ở tính độc nhất mà còn được biểu hiện ở tính phổ biến – tính nhân rộng – tầm ảnh hưởng. Sự phổ biến và tầm ảnh hưởng của các Kiến trúc sư có thể đo lường được bằng các công cụ định lượng. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Clarkson đã sử dụng phương pháp Google ‘đo lường’ mức độ của người nổi tiếng: “để thiết lập một định nghĩa toán học chính xác về danh tiếng, cả về khoa học và thế giới nói chung”. [7]
Đỉnh cao của mức độ nổi tiếng là trở thành “kinh điển”.Trong cuốn sách Architecture and its Interpretation (1979), Juan Pablo Bonta đã đưa ra một lý thuyết về cách các tòa nhà và kiến trúc sư đạt được trạng thái Canonic (kinh điển). Ông lập luận rằng một công trình và kiếntrúc sư thiết kế nó sẽ được coi là đạt trạng thái biểu tượng hoặc trạng thái Canonic (kinh điển) nếu trải qua một thời gian được các nhà phê bình và sử gia khác nhau bàn luận và đưa ra nhận định về tính không thể nghi ngờ về tầm ảnh hưởng của nó trong một thời gian đáng kể. [8]

Trên đây là nội dung Khung đánh giá năng lực của Kiến trúc sư với 03 yếu tố cơ bản yêu cầu Kiến trúc sư phải áp dụng trên khắp thế giới gồm: (1) Giáo dục chuyên ngành (Education), (2) Kinh nghiệm thực tế (Experience) và (3) Kiểm tra đánh giá (Examination). Tuy nhiên trong thực tế, tùy vào bối cảnh, mục đích cụ thể mà mức độ ưu tiên của các yếu tố được xét đến để đánh giá trình độ của một Kiến trúc sư sẽ có thay đổi linh hoạt, mặc dù về bản chất, các Kiến trúc sư luôn phải chứng minh giá trị của mình qua các sản phẩm cụ thể qua một quy trình, quá trình đánh giá, nhận xét từ đa dạng các đối tượng.
(Đón xem phần tiếp theo: Nhìn nhận một vài bất cập về việc đánh giá năng lực Kiến trúc sư và gợi ý hướng tiếp cận cho khách hàng để tìm “đúng người đúng việc”)
KTS Trần Minh Hiền
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- [1] Wikipedia (2020), Architect, available at: https://en.wikipedia.org/wiki/Architect (accessed April 15, 2020).
- [2] Hoàng Anh Tú (2013), Kiến trúc và Luật hành nghề Kiến trúc sư, Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, xem tại https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/kientruc-xahoi/kien-truc-va-luat-hanh-nghe-kien-truc-su.html (truy cập ngày 15 tháng 04 năm 2020).
- [3] Võ Thành Lân (2016), Bao giờ ta thật sự là Kiến trúc sư!, Tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển số 61/2016, xem tại http://dothiphattrien.vn/bao-gio-ta-that-su-la-kien-truc-su/ (truy cập ngày 14 tháng 04 năm 2020).
- [4] Vũ Anh Tú (2016), Quy trình và tiêu chí đánh giá Kiến trúc sư ASEAN, Tạp chí Kiến trúc số 12-2016, xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/dien-dan/quy-trinh-va-tieu-chi-danh-gia-kien-truc-su-asean.html (truy cập ngày 15 tháng 04 năm 2020).
- [5] Nhà Xuân (2015), Thế nào là Kiến trúc sư giỏi?, xem tại: http://nhaxuan.vn/the-nao-la-kien-truc-su-gioi/ (truy cập ngày 15 tháng 04 năm 2020).
- [6] Wikipedia (2020), Professional requirements for architects , available at: https://en.wikipedia.org/wiki/Professional_requirements_for_architects (accessed April 15, 2020).
- [7] Mike Martin (2004), Scientists Use Google To Measure Fame vs. Merit, Sci-tech today.
- [8] Juan Pablo Bonta (1979), Architecture and its Interpretation, London, Lund Humphries.