Khung đánh giá năng lực Kiến trúc sư – Bất cập và những gợi ý (Phần 2)

Khung đánh giá năng lực Kiến trúc sư – Bất cập và những gợi ý (Phần 2)

Tiếp mạch nội dung về Khung đánh giá năng lực KTS ở phần 1, trong bài viết này, tác giả hướng người đọc đến quá trình nhìn nhận những bất cập về việc đánh giá năng lực Kiến trúc sư trong thực tế. Từ đó, gợi ý hướng tiếp cận góp phần tháo gỡ một vài vướng mắc của các bạn KTS Trẻ trong quá trình hành nghề, đồng thời giúp chủ đầu tư biết cách chọn cho mình một Kiến trúc sư phù hợp – trên cơ sở hiểu rõ nguyên tắc hành nghề kiến trúc.

Phần 2: Nhìn nhận một vài bất cập về việc đánh giá năng lực Kiến trúc sư  và gợi ý hướng tiếp cận cho khách hàng để tìm “đúng người đúng việc”

Vấn đề 1:Một bộ phận không nhỏ những Kiến trúc sư  trẻ có hoài bão và kinh nghiệm tích lũy từ những năm học đại học, bôn ba không kém các KTS đàn anh đã ra trường, nhưng thành quả của họ phần lớn bị số năm kinh nghiệm phủ nhận.

  • Phân tích vấn đề: Nghị định 100/2018/NĐ/CP (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của Nghị định 59/2015/NĐ-CP và Nghị định số 42/2017/NĐ-CP) đã có những sửa đổi về số năm hành nghề kiến trúc phù hợp hơn cho việc đăng ký xét cấp CCHNHĐXD, cụ thể: hạng III chỉ còn 2 năm (theo quy định cũ là 3 năm), hạng II chỉ còn 4 năm (theo quy định cũ là 5 năm), riêng hạng I giữ nguyên 7 năm, tuy nhiên có nếu có thành tích nổi bật, KTS có thể gửi yêu cầu lên các cơ quan ban ngành có thẩm quyền để xem xét.
    Mặt khác, để được tin tưởng nhiều hơn, các bạn KTS trẻ trong trường hợp này có thể áp dụng phương pháp giúp tăng “chỉ số tín nhiệm” như tích cực tham gia các giải thưởng kiến trúc, tham gia thực hiện các công trình thực tế với độ đa dạng khác nhau hoặc theo mức độ chuyên sâu (dưới vai trò thực tập) và/hoặc cải thiện thêm các yếu tố khác trong Khung đánh giá năng lực Kiến trúc sư  đã nêu ở Phần 1.
  • Gợi ý cho các chủ đầu tư/ khách hàng: Điều này cũng cho thấy, việc các khách hàng lựa chọn các Kiến trúc sư  trẻ để thiết kế ngôi nhà của mình nhằm tiết kiệm chi phí với nhu cầu ở mức tối thiểu, nguồn lực thấp (giá thành rẻ) và mức kỳ vọng vừa đủ là có tính khả thi, với điều kiện biết cách lựa chọn một KTS trẻ có “Chỉ số tín nhiệm” cao. Sự tín nhiệm có thể do một chủ nhà đã từng đạt được kỳ vọng giới thiệu, hoặc do tự thân các chủ đầu tư tự xác nhận bằng các công trình thực tế, giải thưởng, và quá trình tiếp xúc với Kiến trúc sư đó.
Khung đánh giá năng lực Kiến trúc sư – Bất cập và những gợi ý (Phần 2)

Khung đánh giá năng lực Kiến trúc sư có những bất cập gì? (Nguồn ảnh: Internet)

Vấn đề thứ 2: Việc đề cao “lâu năm là lão làng” dẫn đến tình trạng Kiến trúc sư  trẻ bị hạn chế trong các cơ hội thể hiện bản thân; sự ì ạch, ỉ lại của những KTS “lâu năm”; sự ngộ nhận của các khách hàng về tính phù hợp trong việc đưa ra lựa chọn thiên về một Kiến trúc sư  “lâu năm mà chưa chắc lão làng”, kết quả là sự kỳ vọng của khách hàng không được đáp ứng, việc nhìn nhận trình độ Kiến trúc sư  do đó bị coi nhẹ đồng hóa thành chức năng “thợ xây có tuổi”.

  • Phân tích vấn đề: Không phủ nhận những bậc “lão làng” trong làng kiến trúc hiện nay đa số là “lâu năm”. Chẳng hạn, theo phân tích về độ tuổi trung bình của các Kiến trúc sư  khi đạt giải Pritzker, kết quả nhận được là 64.2 tuổi – độ tuổi cuối của Nhóm tuổi lao động (từ 15 -> 64 tuổi)  [9]. Điều này cũng phù hợp với Lý thuyết về trạng thái Canonic (kinh điển) của Juan Pablo Bonta. Theo lý thuyết này, trạng thái canonic (kinh điển) chỉ đạt được sau khi trải qua một quá trình dưới sự bàn luận và nhận định của các nhà phê bình và sử gia về tầm ảnh hưởng của Kiến trúc sư  và công trình của họ trong một thời gian đáng kể [8].
    Lý thuyết này cũng cho thấy, quá trình “lâu năm” chỉ là “điều kiện cần” để dẫn tới trạng thái “lão làng”, trong khi “điều kiện đủ” được quyết định bằng “tầm ảnh hưởng” có được nhờ sự cải tiến không ngừng trong quá trình hành nghề của Kiến trúc sư .
    Nhìn nhận được bản chất thật sự của trạng thái “lão làng” là bước đầu tiên trong việc đưa ra các hành động đúng đắn tiếp theo để: “KTS trẻ” tiếp tục nỗ lực không ngừng, “KTS lâu năm” không ngừng cải tiến, nhờ đó, chất lượng về năng lực hành nghề của các Kiến trúc sư  nhận được đánh giá cao hơn, là cơ sở cho việc khách hàng có những lựa chọn phù hợp và có chất lượng về sau.
  • Gợi ý cho các chủ đầu tư/ khách hàng: Xem xét tổng thể gồm “yếu tố cần” – “lâu năm” và “yếu tố đủ” – “tầm ảnh hưởng”, cũng như xem xét kết quả đạt được qua 3 yếu tố thuộc Khung đánh giá năng lực Kiến trúc sư (xem Phần 1) để lựa chọn các Kiến trúc sư  phù hợp với mục đích cá nhân của mình.
Khung đánh giá năng lực Kiến trúc sư – Bất cập và những gợi ý (Phần 2)

Khung đánh giá năng lực Kiến trúc sư – Bất cập và những gợi ý (Phần 2)

Vấn đề thứ 3: Liên quan tới hệ thống chồng chéo cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (CCHNHĐXD) như lúng túng trong quy đổi CCHNHĐXD từ loại cũ (phân loại theo màu sắc) sang CCHNHĐXD theo cấp hạng I, II, III; hay việc “lách luật” để đạt được thứ hạng CCHNHĐXD cao hơn bằng các dịch vụ. Kết quả là việc đánh năng lực của KTS nếu chỉ dừng ở bằng cấp và CCHNHĐXD thì chưa thật sự hiệu quả.

  • Phân tích vấn đề: Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng (CCHNHĐXD) được hiểu là văn bản chứng nhận quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân đăng ký trong phạm vi hoạt động hành nghề, theo cấp hạng chức danh ở một hoặc nhiều lĩnh vực cụ thể. Theo đó, CCHNHĐXD không phải là văn bản công nhận toàn bộ năng lực của một Kiến trúc sư  mà chỉ là “giấy phép con” bắt buộc phải có với những dự án, công trình có mức độ ảnh hưởng lớn, yêu cầu trình độ và trách nhiệm thực thi cao. Việc đánh giá năng lực Kiến trúc sư  cần có cái nhìn tổng quan đến các yếu tố khác theo Khung đánh giá năng lực Kiến trúc sư .
  • Gợi ý cho các chủ đầu tư/ khách hàng: Cần xem xét năng lực một Kiến trúc sư  trên tổng thể 3 yếu tố gồm Giáo dục chuyên ngành (Education), Kinh nghiệm thực tế (Experience) và Kiểm tra đánh giá (Examination) như đã trình bày ở Phần 1.

Vấn đề thứ 4: Việc nâng tầm mức độ Kiến trúc sư  bị bóp méo bởi khả năng Marketing (Tiếp thị/thị trường) hay các dịch vụ khác liên quan khác.

  • Phân tích vấn đề: Hiệp hội Marketing Mỹ (American Marketing Association, AMA) định nghĩa: “Marketing là một nhiệm vụ trong cơ cấu tổ chức và là một tập hợp các tiến trình để nhằm tạo ra, trao đổi, truyền tải các giá trị đến các khách hàng” [10]. Điều đó cho thấy giá trị thật sự của một Kiến trúc sư (thể hiện ở 03 yếu tố gồm Giáo dục chuyên ngành (Education), Kinh nghiệm thực tế (Experience) và Kiểm tra đánh giá (Examination)) mới là yếu tố quyết định sự thành bại của các hoạt động thực hành kiến trúc.
  • Gợi ý cho các chủ đầu tư/ khách hàng: Tính phổ biến với tốc độ cao có thể bị tác động từ các hoạt động Marketing nhưng bản chất giá trị, năng lực của Kiến trúc sư thì phải hoàn thiện từng ngày. Khách hàng có thể sử dụng phương pháp Google để ‘đo lường’ mức độ nổi tiếng [7], hoặc trao đổi trực tiếp và tham quan các công trình thực tế để xác định độ tin cậy và mức độ phù hợp của một Kiến trúc sư với nhu cầu, nguồn lực và mức độ kỳ vọng của mình.

Vấn đề thứ 5: Nước ta hiện nay có bao nhiêu Kiến trúc sư?  Có thể nhiều mà cũng có khi rất thiếu. Nhiều là nhiều người có bằng Kiến trúc sư , ít là ít kiến trúc sự thực sự mang lên đôi vai của cái nghiệp của mình. Thực ra còn có phân loại: Kiến trúc sư già trẻ, trong Hội hay ngoài Hội, Kiến trúc sư  là Đảng viên hay ngoài Đảng; lại còn có thêm Kiến trúc sư là thạc sĩ, là tiến sĩ, là giáo sư… có rất nhiều cách định danh, và mỗi danh xưng lại có không gian tư duy và hoạt động khác nhau thậm chí khác nhau hoàn toàn… Còn nhiều, còn rất nhiều sự khác biệt không thể tương thích nổi giữa những người mang danh là Kiến trúc sư trong xã hội. Nhiều đến mức việc định nghĩa Kiến trúc sư là ai, Kiến trúc sư làm gì trở thành một việc không cần thiết, chỉ có những anh dở hơi mới cần có cái định nghĩa vô bổ như thế! [3]

  • Phân tích vấn đề: Hiểu rõ bản chất của một Kiến trúc sư là phải đáp ứng 03 yêu cầu cần có quy định tại Khung năng lực Kiến trúc sư  gồm Giáo dục chuyên ngành (Education), Kinh nghiệm thực tế (Experience) và Kiểm tra đánh giá (Examination).
    Bên cạnh đó, tại các vị trí, chức năng khác nhau, việc Kiến trúc sư trau dồi các kiến thức ngoài ngành, ngành liên quan là cần thiết, là phần tăng thêm của “Chỉ số tín nhiệm” bên cạnh phần cần có đã cơ bản hoàn thiện.
  • Gợi ý cho các chủ đầu tư/ khách hàng: Cần xem xét năng lực một Kiến trúc sư  trên tổng thể 3 yếu tố gồm Giáo dục chuyên ngành (Education), Kinh nghiệm thực tế (Experience) và Kiểm tra đánh giá (Examination) như đã trình bày ở Phần 1.

Vấn đề thứ 6: Theo hiệu ứng “sính ngoại”, chủ đầu tư ưu tiên chọn công ty nước ngoài, hoặc trả tiền không tương xứng cho KTS Việt Nam dù rằng trình độ của họ không thua kém KTS nước ngoài. Trước tình trạng đó, KTS đối phó bằng hình thức “Tây hóa”“ với một vài “thủ thuật” nhỏ như thay đổi tên công ty bằng tên nước ngoài, thuê nhân sự nước ngoài làm bù nhìn… Sự thật đổ vỡ, chủ đầu tư nước ngoài càng mất niềm tin về KTS bản địa. Mâu thuẫn về quan điểm chọn KTS ngoại càng bị đẩy lên cao. Cứ thế vòng lặp trên lại tiếp diễn.

  • Phân tích vấn đề: Việc ưu tiên lựa chọn các KTS nước ngoài là phù hợp nếu tính chất một công trình cụ thể đòi hỏi các năng lực cụ thể mà KTS bản địa chưa đáp ứng được. Tuy nhiên xét về tính lâu dài, cần thay đổi quan điểm từ chất lượng năng lực hành nghề của các Kiến trúc sư trong nước bằng cách tích cực gia tăng “mức độ tín nhiệm” với việc đáp ứng 3 yêu cầu cơ bản trong khung đánh giá năng lực. Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư quảng bá tính hiệu quả trên với các ưu thế kèm theo như tiết kiệm chi phí hơn, vấn đề hiểu rõ văn hóa, thổ nhưỡng…; sử dụng hiệu ứng “ủng hộ Kiến nhà” – dĩ nhiên người nhà phải có năng lực hành nghề đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
  • Gợi ý cho các chủ đầu tư/ khách hàng: Có sự đánh giá tổng quan về đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc cả trong và ngoài nước, từ đó tận dụng được các ưu thế cơ bản mà thị trường đem lại; ưu tiên sử dụng “đội nhà” nếu họ đáp ứng đủ yêu cầu đề bài đặt ra. Nhất là, cần hiểu được giá trị thực sự của yếu tố “bản địa”, bởi lẽ các công trình tại địa phương cần rất nhiều tư duy của đơn vị tư vấn hiểu biết về giá trị bản địa, thổ nhưỡng, văn hóa… Điều này cũng được nhấn mạnh trong Nghị định 59/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 100/2018/NĐ-CP khi quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài: Nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu.

Vấn đề thứ 7: Các kỹ năng mềm như khả năng tư vấn, khả năng thuyết trình, hay khả năng quảng cáo thương hiệu có thuộc Khung đánh giá năng lực Kiến trúc sư  không?

  • Phân tích vấn đề: Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, mức độ đánh giá năng lực Kiến trúc sư còn nằm ở tính chuyên nghiệp trong các kỹ năng mềm như khả năng tư vấn, khả năng tạo ý, tạo hình, khả năng thuyết trình, khả năng chịu áp lực và thẩm chí là khả năng quảng cáo thương hiệu. Biểu hiện cao nhất là kết quả quy về giá trị (vật chất, tinh thần) mà các kiến trúc sư đạt được.
    Khung đánh giá năng lực Kiến trúc sư  tuy không nêu trực tiếp các kỹ năng mềm như là một yếu tố riêng biệt được xét đến cùng các 3 yếu tố chính (Giáo dục chuyên ngành, Kinh nghiệm và Kiểm tra đánh giá), nhưng theo cách gián tiếp, các kỹ năng mềm đã được thể hiện lồng ghép trong các yếu tố cơ bản trên. Ví dụ, xét mức độ nổi tiếng (thuộc yếu tố Kiếm tra, đánh giá) thì các kỹ năng thuyết trình, sáng tạo, hay khả năng quảng cáo thương hiệu bằng chính các sản phẩm kiến trúc, các giải thưởng kiến trúc đã được bao hàm.
  • Gợi ý cho các chủ đầu tư/ khách hàng: ngoài việc lựa chọn Kiến trúc sư  dựa vào Khung đánh giá năng lực, việc chọn các Kiến trúc sư  tư vấn với phương pháp thiết kế kiểu “design by” (Thiết kế BỞI – Chủ nhà là người thiết kế ý tưởng chính với sự hỗ trợ đắc lực của Kiến trúc sư , do đó nhu cầunguyện vọng của chủ nhà sẽ được đáp ứng tối ưu nhất với nguồn lực của họ) có thể là một sự lựa chọn hoàn hảo hơn thay vì “design for” (thiết kế CHO) và “design with” (thiết kế CÙNG) như truyền thống (mặc dù chi phí cho việc hỗ trợ có thể cao hơn do yêu cầu về tính chuyên nghiệp và sự tận tụy cao của phương pháp này).

 

Và vấn đề quan trọng nhất!

Vấn đề thứ 8: Làm thế nào để tìm được một Kiến trúc sư  phù hợp?

  • Phân tích vấn đề: Phù hợp là “việc đáp ứng một yêu cầu” (TCVN ISO 9000:2015) [11].
    Việc phù hợp cần xét đến cả yếu tố đầu vào của khách hàng (Nhu cầu, nguồn lực, kỳ vọng) và yếu tố đầu vào của Kiến trúc sư  (giáo dục, kinh nghiệm, đánh giá). Trong đó, với bản chất kiến trúc cũng là một ngành dịch vụ, sự phù hợp giữa hai bên cần xem xét trên 7 yếu tố về “Đánh giá sự hài lòng của khách hàng đối với chất lượng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp” gồm Giá cả, Chất lượng, Phương tiện, Sự tin cậy, Sự đáp ứng, Năng lực phục vụ, Sự cảm thông.  [12]
  • Gợi ý cho các chủ đầu tư/ khách hàng: cần xác định rõ nhu cầu, nguồn lực và mức độ kỳ vọng của mình trước khi lựa chọn Kiến trúc sư  có khả năng đáp ứng yêu cầu với mức độ uy tín cao (tham khảo Khung đánh giá năng lực của Kiến trúc sư). Chẳng hạn, nếu để tham gia giải thưởng thì yếu tố mức độ nổi tiếng, công trình thực hiện, CCHNHĐXD là yếu tố được đề cao. Nếu muốn xây một ngôi nhà chỉ để ở thì yếu tố đáp ứng nhu cầu thích dụng, kinh tế, bền vững là điều tiên quyết.

Trên đây là một vài bất cập thường thấy của việc đánh giá năng lực Kiến trúc sư  trong thực tế. Với một vài hướng tiếp cận gợi mở, hi vọng bạn đọc đã có cái nhìn thiết thực về nghề Kiến trúc và những con người mang chức danh Kiến trúc sư . Từ đó, có những quyết định phù hợp hơn, cả khi lựa chọn trở thành một thành phần của cộng đồng “nhà kiến”, hoặc trở thành một chủ đầu tư thông minh, một khách hàng sáng suốt để đạt được kết quả kỳ vọng của mình.

KTS Trần Minh Hiền

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

 

News

Leave a Reply